Thứ Năm, 16 tháng 1, 2020

Giới thiệu Khoa Sinh học


Cùng với sự ra đời của Trường đại học Tổng hợp Huế theo nghị định 426/TTg của Thủ tướng chính phủ ngày 27 tháng 10 năm 1976, Khoa Hóa – Sinh – Địa được thành lập. Trong thời gian này, Ban Sinh học thuộc khoa Hóa – Sinh – Địa nhận nhiệm vụ đào tạo 2 khóa chuyển tiếp thuộc các ngành Nông nghiệp sản xuất và Sinh hóa ứng dụng. Từ năm 1977, Ban Sinh học bắt đầu đào tạo sinh viên các khóa hệ chính quy và tại chức (sau này là hệ vừa học, vừa làm).
Năm 1980, do yêu cầu phát triển về quy mô đào tạo cũng như đặc thù của các ngành, Khoa Sinh học được chính thức thành lập từ việc tách Khoa Hóa – Sinh – Địa thành 3 khoa là Khoa Hóa học, Khoa Sinh học và Khoa Địa lý – Địa chất. Giai đoạn đầu, khoa gồm hai bộ môn là Bộ môn Thực vật – Sinh lý thực vật – Sinh hóa – Vi sinh  và Bộ môn Động vật – Di truyền – Sinh lý động vật.
Tháng 11 năm 1988, xuất phát từ sự phát triển của khoa cũng như nhu cầu đào tạo các chuyên ngành sâu hơn, Hiệu trưởng Trường đại học Tổng hợp Huế đã có quyết định sắp xếp lại tổ chức của Khoa Sinh học bằng cách giải thể 2 bộ môn cũ và thành lập 4 bộ môn mới:
1. Di truyền – Sinh hóa – Vi sinh – Lý sinh
2. Thực vật học
3. Tế bào – Mô phôi – Sinh lý người và động vật
4. Động vật – Sinh thái
Tháng 7 năm 1991, để đảm bảo sự cân đối giữa các chuyên môn, chuyên ngành đào tạo và lực lượng cán bộ giảng dạy, Hiệu trưởng đã sắp xếp lại các bộ môn của Khoa Sinh học theo các tên gọi mới:
1. Sinh lý thực vật – Sinh hóa – Vi sinh
2. Thực vật học
3. Sinh lý động vật – Tế bào – Di truyền
4. Động vật – Sinh thái
Tháng 4 năm 1999, nắm bắt nhu cầu của xã hội cũng như để phù hợp với hội nhập khu vực và quốc tế, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế đã cho phép thành lập thêm 2 bộ môn từ việc điều phối cán bộ ở các bộ môn thuộc Khoa Sinh học:
1. Tài nguyên – Môi trường
2. Công nghệ sinh học
Tháng 7 năm 2013, để phù hợp với định hướng phát triển trong tình hình mới, trường Đại học Khoa học tiến hành sắp xếp, cơ cấu lại các bộ môn thuộc khoa Sinh học, theo đó sát nhập các bộ môn Thực vật học, Động vật - Sinh thái, Tài nguyên - Môi trường thành bộ môn Tài nguyên sinh vật và môi trường; các bộ môn Sinh lý - Sinh hóa - Vi sinh và Sinh lý động vật – Tế bào – Di truyền thành bộ môn Sinh học ứng dụng
Như vậy, từ cuối năm 2013, Khoa Sinh học có 3 bộ môn, đào tạo song song 2 ngành thuộc bậc đại học chính quy: Cử nhân Sinh học và Kỹ sư Công nghệ sinh học.
Bên cạnh đào tạo bậc đại học, Khoa Sinh học là một trong những khoa đầu tiên xây dựng chương trình đào tạo sau đại học. Từ năm 1993, khoa nhận nhiệm vụ đào tạo thạc sĩ khoa học 5 chuyên ngành là Hóa sinh  –  Sinh lý thực vật, Tế bào  –  Sinh lý động vật (từ khóa I), Động vật học, Thực vật học (từ khóa IV) và Sinh thái học (từ khóa VII). Năm 2005, hai chuyên ngành Hóa sinh  –  Sinh lý thực vật và Tế bào  – Sinh lý động vật được nhập lại thành chuyên ngành Sinh học thực nghiệm. Năm 2008, Khoa nhận thêm nhiệm vụ quản lý đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Quản lý môi trường và năm 2010 thêm chuyên ngành Công nghệ sinh học. Ở bậc đào tạo trình độ tiến sĩ, từ năm 1998, khoa được giao nhiệm vụ đào tạo 2 chuyên ngành là Sinh lý học động vật và Sinh lý học thực vật.
Cho đến nay, khoa đã và đang đào tạo 43 khóa sinh viên chính quy (trong đó có 2 khóa chuyển tiếp) và 12 khóa sinh viên hệ vừa học  –  vừa làm với 1.887 sinh viên, 30 khóa cao học với hơn 420 học viên và 50 nghiên cứu sinh đã tốt nghiệp tiến sĩ.
Khoa cũng tham gia đào tạo các loại hình chính quy, vừa học  –  vừa làm ở các trường thành viên của Đại học Huế như Trường ĐH Sư phạm, Trường ĐH Nông Lâm, Trường ĐH Y khoa, Trường ĐH Ngoại ngữ và Trường ĐH Kinh tế cũng như các loại hình vừa học  –  vừa làm, đào tạo từ xa trên địa bàn cả nước. Ngoài ra, khoa còn tham gia đào tạo cho Trưòng CĐ Sư phạm Huế, Trường ĐH Sư phạm và Trường ĐH Bách khoa thuộc Đại học Đà Nẵng.
Bên cạnh công tác đào tạo, hoạt động khoa học công nghệ của khoa luôn được chú trọng và là một trong những thế mạnh của khoa. Cho đến nay, cán bộ trong khoa đã và đang thực hiện 54 đề tài cấp Trường, 37 đề tài cấp Tỉnh, 38 đề tài cấp Bộ, 4 đề tài cấp Bộ trọng điểm, 36 đề tài thuộc chương trình Nghiên cứu cơ bản, 6 đề tài nhánh cấp Nhà nước và 2 đề tài độc lập cấp Nhà nước. Ngoài ra, khoa cũng thực hiện nhiều đề tài và dự án quốc tế: 2 dự án do ASEAN tài trợ, 3 dự án do Pháp tài trợ, 1 dự án do Canada tài trợ và 1 dự án do Đan Mạch tài trợ.
Trong gần 10 năm trở lại đây, nhờ sự giúp đỡ của các thầy cô giáo, sự nhiệt tình học hỏi của sinh viên, phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học ở Khoa Sinh học đã phát triển rất mạnh. Đã có 72 đề tài do sinh viên thực hiện và hàng năm đều đạt giải thưởng. Trong đó, có 1 giải nhì, 1 giải ba VIFOTECH và 26 giải sinh viên NCKH (2 giải nhất, 6 giải nhì, 10 giải ba và 8 giải khuyến khích), 10 giải phát minh xanh SONY (5 giải nhì, 4 giải 3 và 1 giải tập thể).
Khoa Sinh học luôn quan tâm đến việc biên soạn các giáo trình lý thuyết và thực hành để chủ động phục vụ cho việc giảng dạy. Đồng thời cải tiến phương pháp dạy và học để không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo. Đến nay, các cán bộ của khoa Sinh học đã biên soạn được 38 giáo trình dùng cho bậc đại học và sau đại học cùng với việc số hóa bài giảng cũng như chuẩn bị bài giảng điện tử.
Hiện nay, Khoa Sinh học có 32 cán bộ, bao gồm 28 cán bộ giảng dạy, 1 văn thư, 2 kỹ thuật viên và 1 cán bộ phục vụ phòng thí nghiệm. Trong số 28 cán bộ giảng dạy có 1 Giáo sư - tiến sĩ, 10 phó giáo sư - tiến sĩ, 6 tiến sĩ và 12 thạc sĩ (2 thạc sĩ đang là NCS).

Share:

Trang thông tin tín chỉ

Bản đồ

Sứ mạng

Khoa sinh học, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế có sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng về Công nghệ sinh học, Kỹ thuật sinh học, đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Copyright © 2020 by KHOA SINH HOC - TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC HUẾ
[Địa chỉ]: 77 Nguyễn Huệ, Thành phố Huế [Điện thoại]: +(84) 0234 822934